Sử dụng, bảo vệ và cải tạo đất bị xói mòn bằng những biện pháp canh tác, sinh học

Các hình thức chống xói mòn rửa trôi kết hợp trong quá trình canh tác đều được xếp vào nhóm các biện pháp canh tác. Có rất nhiều biện pháp có thể làm lồng ghép trong suốt quá trình từ phát hoang, làm đất đến chăm sóc, thu hoạch.
- Canh tác theo đường đồng mức: là nguyên tắc xuyên suốt mọi hoạt động sử dụng đất dốc, cần tuân thủ từ khi khai hoang, cày bừa đến trồng trọt, chăm sóc.
- Trồng trong rãnh: Một số cây như chè. mía, dứa... được trồng mới theo rãnh (rạch) là biện pháp chống xói mòn rất hiệu quả.
- Trồng trong hố: Biện pháp này cần vận dụng triệt để khi trồng mới cây thân gỗ (cà phê, cao du, điều, cam, vải, cây rừng). Mỗi cây được trồng trong 1 hố, các hố có tác dụng giữ đất giữ màu. Hiệu quả bảo vệ tăng lên nếu đắp đất lên hai bên bờ và phía dưới hố. các cây bố trí theo kiểu nanh sấu có tác dụng tốt hơn trồng thẳng hàng. Biện pháp này đặc biệt quan trọng để kiểm soát trong thời kỳ kiến thiết cơ bản.
- Tạo bồn: Một số cây lâu năm mật độ thưa (cà phê, cam, cao su) cần được tạo bồn. Bồn là bờ nhỏ dạng vành khăn bao quanh gốc ứng với mép tán lá cây, được tạo ra khi chăm sóc, làm cỏ, bón phân. Chất lượng đất trong bồn tốt hơn ngoài bồn.
- Phủ đất: Đây là biện pháp trực tiếp làm giảm sự phá huỷ cấu trúc đất do hạt mưa, làm giảm dòng chảy phát sinh trên mặt đất, làm giảm đáng kể xói mòn và tăng độ ẩm đất. Đay cũng là biện pháp hạn chế sự phát triển của cỏ tranh rất có hiệu quả.
- Tủ gốc: Khi vật liệu phủ đất hạn chế thì ưu tiên tủ gốc để chống xâm kích của hạt mưa trực tiếp và dòng chảy từ tán cây, giữ cho nhiệt độ, độ ẩm ổn định, giữ chất dinh dưỡng khoáng khi bón vào đất.
- Xới xáo, làm cỏ: Biện pháp này nếu làm theo đường đồng mức rất có tác dụng giữ đất, tránh tạo ra rãnh khơi đầu cho dòng chảy phát sinh. Công việc này cần tránh làm vào thời kỳ mưa to, nếu không sẽ làm xói mòn trầm trọng thêm. Một lớp cỏ xanh có kiểm soát duy trì trong mùa mưa dông rất có lợi cho việc chống mất đất, do đó không nên làm cỏ trắng vào thời kỳ mưa dông.
- Sắp xếp cơ cấu cây trồng: Xét về mặt bảo vệ đất thì nguyên tắc chung là bố trí sao cho vào vụ mưa cây trồng hiện diện liên tục trên mặt đất thông qua trồng xen, trồng gối.... phối hợp cây dài ngày và cây ngắn ngày.
- Lịch gieo trồng, thu hoạch: Liên quan trực tiếp đến xói mòn là việc cày vỡ và thu hoạch cây có củ. Gieo trồng đương nhiên phải làm vào vụ mưa, còn làm đất (nhất là cày vỡ) thì cần tiến hành sớm ngay đầu vụ khi chưa có mưa lớn. Tương tự nên tránh đào bới đất thu hoạch cây có củ vào thời kỳ cao trào mưa.
Biện pháp sinh học có thể làm và cần phải áp dụng triệt để nhằm cải tạo, bảo vệ và sử dụng đất xói mòn vì nó còn bổ xung chất dinh dưỡng cho đất và cho sản phẩm. Từ khi khai hoang đã có thể áp dụng biện pháp sinh học, đó là giữ lại chỏm rừng trên đỉnh đồi. Trong diện tích sản xuất trồng những băng, đai cây chắn (cây phân xanh, thức ăn gia súc, hoặc các cây ngăn được xói mòn). Gần đây nhiều chương trình khuyến nông và dự án đầu tư nghiên cứu các hệ thống canh tác theo băng, các mô hình SALT 1, SALT 2, SALT 3. Ở miền Bắc cây cốt khí là cây được dùng làm băng phổ biến.
Trên các đất tốt, khí hậu nóng, mưa nhiều từ Khu 4 cũ trở vào Tây Nguyên, các loài muồng chủng Crotalaria được người dân ưa chuộng nhờ ưu thế mọc khoẻ, tái sinh mạnh, thân mềm và nhiều hạt.
Băng cỏ tự nhiên cũng là biện pháp hữu hiệu và dễ làm, nhất là vùng có áp lực gia súc cao, trong đó cỏ thân ngầm tỏ ra có ưu thế nhất như cỏ chỉ, cỏ lá tre, cỏ gừng...
Hướng nghiên cứu các biện pháp sinh học để cải tạo, bảo vệ và sử dụng đất ở vùng đồi núi có ý nghĩa rất quan trọng. Về bản chất thoái hoá đất là sự suy giảm dự trữ năng lượng trong đất, do đó để phục hồi độ phì nhiêu cần có sự cung cấp liên tục chất hữu cơ và các chất dinh dưỡng khoáng cho đất, đặc biệt là đất canh tác cạn. Vai trò của cây cải tạo đất đối với nền nông nghiệp sinh thái bền vững thể hiện ở chỗ:
+ Tạo một lớp phủ nhanh chóng bảo vệ đất, chống xói mòn và dòng chảy trên mặt, tăng nguồn sinh thuỷ;
+ Giữ chất dinh dưỡng và nước bớt trôi theo chiều sâu và kéo dinh dưỡng ở dưới sâu lên tầng canh tác;
+ Bổ xung nguồn dinh dưỡng cây trồng, đặc biệt là đạm (200-300 kg/ha) và kali (300-350 kg/ha), chống lại sự giữ chặt lân và góp phần giải phóng lân dễ tiêu;
+ Nâng cao dung tích hấp thu và thành phần kim loại kiềm trong tổng số bazơ trao đổi;
+ Tạo cấu trúc đất, làm đất tơi xốp, tăng độ thấm nước và giữ nước;
+ Điều hoà tiểu khí hậu khu vực và môi trường đất xung quanh hệ rễ cũng như trong cả quần thể cây trồng;
+ Tăng sản phẩm nông nghiệp và tăng tuần hoàn chất hữu cơ, do đó tăng tính đệm của đất và môi trường.
Các loại cây thường dùng làm cây cải tạo đất hoặc trồng xen với các loại cây trồng khác là: Đậu triều, đậu lông, đậu bướm, lục lạc mũi mác, muồng (lá tròn, lá dài), hàn the, chàm, trinh nữ, cốt khí, quì dại.
Để làm băng xanh hay hàng rào cây sống thường dùng cây cốt khí, quì dại, móc mèo, đậu triều, chàm, đậu công, bồ kết...
Để làm đai rừng chắn gió có các cây thông dụng như phi lao, bạch đàn, chàm hoa vàng, keo tai tượng, đài loan tương tư, muồng hoa vàng...
Cây che bóng trong các nương chè, cà phê như keo dậu, muồng lá khế, muồng hoa vàng, cốt khí..
Cây dùng làm cây tiên phong cải tạo đất như: cốt khí, muồng (lá tròn, lá dài) lục lạc, điền thanh, muồng sợi, cỏ stylo, đậu mèo Việt Nam, đậu mèo Thái Lan.
Cây phân xanh trồng xen bao gồm các cây đậu ăn hạt như đậu hồng đáo, đậu nho nhe... và nhiều loại cây không ăn hạt như cốt khí, điền thanh, vetiver, đậu triều, đậu lông, đậu bướm, chàm bò...
Các cây làm băng xanh chống xói mòn trong lô cây trồng như cốt khí, muồng lá tròn, muồng dùi đục, lục lạc, cút du, vetiver, điền thanh, keo dậu.
Tổng kết một số mô hình sử dụng đất dốc có hiệu quả thì đều có đăc điểm chung là chọn một hay một vài hệ thống cây trồng với 2 nhóm cây kiểu "lấy ngắn nuôi dài":
a, Một hai cây chính đem lại lợi ích cao và chắc chắn, dù có phải đầu tư khá và thu lợi chậm;
b, Một số cây hỗ trợ đi kèm để tận dụng khoảng không, bảo vệ đất, cho sản phẩm sớm và làm tốt đất.
Khác với các hệ canh tác nông nghiệp truyền thống, các mô hình này đặt ưu tiên cao cho cây trồng chính là cây hàng hoá, sản phẩm chủ lực để bán. Các cây trồng chính như sắn, chè, vải nhãn, hồng, quýt, na, mía... Các cây hỗ trợ như: đậu, lạc, băng phân xanh...
Trồng sắn trên địa hình dốc
Một số mô hình nông lâm kết hợp cũng được đưa vào sử dụng cho hiệu quả rất cao về bảo vệ, cải tạo, nâng cao độ phì nhiêu của đất và cho thu nhập cao, tạo ra những biến đổi lớn lao về kinh tế xã hội như một số mô hình:
- Mô hình hồi-trám-rừng tái sinh: Đỉnh đồi để rừng tái sinh. Từ giữa đồi trở xuống trồng hồi theo mật độ 5mx5m, trám trồng xen với hồi với khoảng cách 6mx7m. Độ che phủ đạt trên 60%. Mô hình này tương đối lâu mới cho thu hoạch nhưng có lợi ích lâu dài.
- Mô hình trồng chè xen hồi ở Bình Gia, Lạng Sơn. Trong thời kỳ chăm sóc có thể trồng xen cốt khí làm phân xanh hoặc đậu xanh, đậu Cao Bằng lấy hạt. Độ che phủ đạt 50-60%.
Sử dụng đất kiểu VAC ở miền đồi núi là một hệ thống liên hoàn hỗ trợ nhau để cho hiệu quả cao và lâu bền. Bản chất của VAC là vòng tuần hoàn dinh dưỡng tương đối khép kín các hợp phần, nhờ đó chất hữu cơ được chu chuyển hợp lý, dinh dưỡng ít bị thất thoát, đất được che phủ tốt hơn. Nhưng ở vùng miền núi thì mô hình VAC còn có thêm một hợp phần R (rừng), nên phân bón từ chăn nuôi là thiếu hụt cho cân đối trong chu trình tuần hoàn dinh dưỡng, mặt khác A (ao, mặt nước) cũng không đủ cho tưới tiêu cho V và R. Do vậy mô hình này chỉ giới hạn trong khu vực nhỏ hẹp.
Nghiên cứu của Thái Phiên, Nguyễn Tử Siêm ở Bắc Kạn cho thấy trên ruộng bậc thang lúa nước độ phì đất rất ổn định chỉ sau rừng tự nhiên và vườn thâm canh quanh nhà, hơn nữa các chất lân, kali dễ tiêu và Ca2+ tăng lên, trong khi Al3+ giảm đi gần hết. Tương tự theo Lê Văn Tiềm (1996) cho biết ở Yên Châu (Sơn La) chỉ có 2 dạng sử dụng đất là rừng và lúa nước là bảo vệ được đất.
Cùng với nương rẫy, ở vùng cao phía Bắc Việt Nam còn có một số hệ thống canh tác cũng được sử dụng như: vườn nhà, vườn rừng, trại rừng, trang trại, VAC và chăn thả có sự kiểm soát.
Kỹ thuật canh tác nông nghiệp trên đất dốc (SALT) là hệ sinh thái canh tác nhằm sử dụng đất dốc được bền vững đã được Trung tâm đời sống nông thôn Minđanao (Philipin) tổng kết, hoàn thiện và phát triển từ năm 1970, đã có một số mô hình tổng hợp về kỹ thuật canh tác nông nghiệp đất dốc bền vững được ghi nhận và ứng dụng tại Việt Nam:
+ Mô hình SALT 1: Mô hình này bố trí trồng những băng cây ngắn ngày xen kẽ với những băng cây dài ngày sao cho phù hợp với đặc tính và yêu cầu đất đai của các loài cây đó và đảm bảo thu hoạch đều đặn. Các băng này được trồng theo đường đồng mức, giữa những băng cây trồng chính rộng từ 4-6m còn có những băng hẹp trồng cây cố định đạm để giữ đất chống xói mòn, làm phân xanh hoặc lấy gỗ. Cây cố định đạm được trồng dày theo hàng đôi, khi cây cao 1m thì cắt bớt cành, lá xếp vào gốc. Cơ cấu cây trồng trong mô hình thường là 75% cây nông nghiệp, 25% cây lâm nghiệp (trong cây nông nghiệp thì 50% là cây hàng năm, 25% là cây lâu năm). Đây là mô hình canh tác đất dốc đơn giản, người nông dân có thể thu nhập cao hơn gấp 1,5 lần so với cách trồng sắn thông thường. Kỹ thuật này làm giảm xói mòn 50% so với hệ thống canh tác vùng cao theo tập quán.
+ Mô hình SALT 2- Mô hình kỹ thuật nông súc kết hợp đơn giản: ở mô hình này người ta bố trí trồng trọt kết hợp với chăn nuôi bằng cách dành một phần đất trong mô hình để canh tác nông nghiệp cho chăn nuôi. Việc sử dụng đất dốc được thực hiện theo phương thức nông-lâm-súc kết hợp. ở Philipin người ta thường nuôi dê để lấy thịt, sữa. Một phần diện tích khác được dành để trồng cỏ và cây làm thức ăn cho dê.
+ Mô hình SALT 3 - Mô hình kỹ thuật canh tác nông- lâm kết hợp bền vững: Mô hình kỹ thuật canh tác này kết hợp một cách tổng hợp việc trồng rừng qui mô nhỏ với việc sản xuất lương thực, thực phẩm. Cơ cấu sử dụng đất thích hợp là 40% danh cho nông nghiệp và 60% cho lâm nghiệp. Bằng cách đó đất đai được bảo vệ có hiệu quả đồng thời cung cấp được nhiều lương thực, thực phẩm, gỗ củi và các sản phẩm khác, tăng thu nhập cho nông dân. Thực chất mô hình này cũng là sự điều hoà phối hợp và mở rộng qui hoạch hợp lý các mô hình trên nhưng có sợ chú trọng đặc biệt tới phát triển rừng. Mô hình này có thể mở rộng cho một hộ có quĩ đất đai tương đối rộng (khoảng 5-10ha) trên nhiều dạng địa hình, hay qui mô lớn hơn cho một nhóm hộ.
+ Mô hình SALT 4 - Mô hình kỹ thuật canh tác nông nghiệp - cây ăn quả qui mô nhỏ. Trong mô hình này các loài cây ăn quả nhiệt đới được đặc biệt chú ý do sản phẩm của nó có thể bán để thu tiền mặt và cũng là những cây lâu năm nên dễ dàng duy trì được sự ổn định và lâu bền hơn về môi trường sinh thái so với cây hàng năm. Đối với cây ăn quả yêu cầu đất đai phải tốt hơn, có đầu tư thâm canh cao hơn (về biện pháp làm đất, bón phân, chọn giống). Do đó, giúp nông dân hiểu biết hơn về khoa học và kỹ thuật. Mô hình này có ý nghĩa lớn, ngoài lương thực, thực phẩm thu được còn có sản phẩm của cây cố định đạm chống xói mòn, cải tạo đất, đặc biệt là có thêm sản phẩm hàng hoá, hoa quả bán thu tiền mặt, mua sắm thêm các vật dụng cần thiết khác.
Hiện nay đã phát triển một số mô hình cải biên từ các loại mô hình SALT như:
1) Rừng + Nương + Vườn + Ruộng + Mặt nước
2) Rừng + Nương + Vườn + Ruộng
3) Rừng + Nương + Vườn
Trong đó mô hình thứ nhất hoàn thiện hơn cả vì có rừng bố trí ở đỉnh dốc hoặc sườn núi dốc rất mạnh. Nương ở sườn dốc vừa, dốc mạnh, vườn có thể đặt tại chân dốc hoặc nơi dốc nhẹ, ruộng làm tại nơi thấp bằng và mặt nước ao hồ ở nơi thấp trũng nhất. Mô hình 2 cũng như mô hình 1 nhưng thiếu mặt nước nên không hoàn thiện bằng. Tuy nhiên tính phổ biến lại cao hơn và nhiều nơi có thể sử dụng. Mô hình 3 không có ao hồ và đồng ruộng nhưng lại là mô hình cơ bản nhất do có tính phổ biển cao. Vì vậy đây cũng là mô hình mà hộ nào cũng có thể áp dụng được.

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More